Đất nước Việt Nam ta có thể nói được mẹ thiên nhiên vô cùng ưu ái khi luôn được ban tặng cho những loại thực vật vô cùng độc đáo. Một loài cây kỳ diệu của nước ta được nhắc đến đây chính là cây chay, một loại thực vật rất đặc hữu và ít tìm thấy được ở quốc gia nào khác.
Tìm hiểu về các loài cây phong thủy, khiến ta không khỏi giật mình khi thấy những cái tên vô cùng quen thuộc, gần gũi. Và, cây chay cũng là một cái tên nằm trong phạm vi vô cùng thân thuộc ấy. Trong giới cây cảnh, cây phong thủy thì cây chay rất được quan tâm và nằm trong nhóm cây tiềm năng.
Đặc điểm của cây chay?
Cây chay còn được gọi với những cái tên khác như: Chay bắc bộ, chay vỏ tía, chay ăn trầu hay mạy khoai (Tày)... Cây thuộc họ nhà Dâu tằm (Moraceae) và được gọi với tên khoa học Artocarpus tonkinensis A. Chev.
Cây chay phần nhiều thường mọc tự nhiên trên khoảng đất đồi, ven rừng. Ở Việt Nam, chay được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu hay Bắc Kạn..., dần mở rộng ra ở các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang và Thanh Hóa...
Tuy nhiên, trong tình hình khai thác rừng quá nhiều để thuận lợi cho việc làm đất canh tác hoặc để ưu tiên trồng cây ăn quả,... thì số lượng chay trong tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm.
Hình thái của cây chay?
Cây chay là loại cây thân gỗ lớn và có tốc độ phát triển chậm so với một số cây thân gỗ Việt Nam. Thân cây có hình trụ tròn, vỏ màu xám, lõi màu nâu đỏ và có chứa nhựa chay rất nhiều. Ban đầu nhựa chay sẽ có màu trắng đục nhưng cũng rất nhanh chuyển sang màu nâu sẫm.
Điểm mang tới nhiều riêng biệt cho loài chay chính là vỏ cây chay. Vỏ chay được sử dụng trong tục lệ văn hóa ăn trầu tại Việt Nam. Sau khi vỏ chay bị bóc đi nó có thể được tái tạo lại. Tuy nhiên việc tái tạo này sẽ diễn ra chậm hoặc thậm chí là không có ở những cây lớn, già.
Lá chay ở dạng bản to phải gần bằng bàn tay người. Ở thời tiết nóng ẩm của nước ta, cây sinh trưởng mạnh mẽ nhưng tán cây lại thường không quá lớn. Tán cây thông thường xòe rộng trong khoảng đường kính từ 5-7m, có thể tạo bóng mát cho khu vực quanh nó.
Cây có đặc tính ít rụng lá vào mùa đông, tỷ lệ rụng lá khoảng 30% lá so với mùa khác nên cây có thể nói xanh quanh năm.
Sau khi trưởng thành, hằng năm cây chay sẽ cho ra quả và mùa quả này thường kéo dài ở khoảng từ hè tới tận cuối thu. Quả chay thường mọc thành từng chùm, có kích cỡ to hơn chén uống nước, với những múi màu đỏ đẹp mắt và vị ngọt ngọt chua chua khi chín.
Ý nghĩa phong thủy của cây chay?
Ở đằng trước nhà hoặc bên cạnh cổng, cây chay cỡ lớn như một người lính án ngữ, che chắn cho ngôi nhà. Cây chay là một loài cây truyền thống ở Việt Nam, mang đậm nét văn hóa người Việt.
Đây là loài cây tượng trưng cho điềm vui, tin hỷ. Vỏ chay luôn được sử dụng trong việc Trầu hỉ - trầu đám cưới.
Xem ngay: Báo giá cây muồng hoàng yến giá rẻ nhất Miền Bắc
Công dụng của cây chay?
Bản chất của cây chay là một loại cây xanh nên nó cũng có công dụng tạo bóng mát cũng như điều hòa không khí, tạo sự trong lành và tươi mát.
Ngoài ra chúng cũng có thể dùng làm để trang trí tạo cảnh quan. Hình dáng và màu sắc của cây, sự tươi tốt xanh mát quanh năm rất thích hợp cho việc cải thiện tính thẩm mỹ cho không gian.
Đặc biệt, quả chay có thể dùng chế biến những món ăn cực ngon miệng như cá kho quả chay, canh chua quả chay hay cua đồng kho quả chay... Vị chua ngọt phớt của quả chay càng làm dậy vị cho món ăn.
Hơn nữa, những món ăn này cũng rất hiệu quả cho việc giải nhiệt cơ thể. Những món ăn từ quả chay như một điều gợi nhắc lại hương vị tuổi thơ, gợi về nơi miền quê bình yên với hình ảnh cây đa – giếng nước – sân đình.
Không chỉ vậy, một số bài thuốc hữu dụng từ cây chay không thể không nhắc đến. Lá và rễ chay giúp giảm đau lưng, mỏi gối hay người bị tê thấp. Quả chay khô có thể hỗ trợ tiêu hóa, khó tiêu và đầy bụng.
Phần rễ thân của cây còn giúp làm giảm khí hư hay huyết trắng nhiều hoặc để điều hòa kinh nguyệt. Rễ chay còn giúp giảm đau răng, đau nướu. Hay vỏ thân cây nghiền bột có thể dùng ngoài da để trị mụn nhọt lở ngứa.
Cách trồng và chăm sóc cây chay?
Một phần lý do làm cho loài chay ngày càng kém phổ biến là bởi nó khá khó trong việc nhân giống tự nhiên.
Tuy nhiên có một số khu chuyên nhân giống và bảo tồn đã nhân giống thành công loài cây này tại Việt Nam.
Chay là loài cây sinh trưởng và phát triển rất mạnh nên việc chăm sóc có thể nói khá dễ cho người trồng. Tuy nhiên, dù cần ít công chăm sóc thì ta cũng cần có sự quan tâm nhất định đối với từng thời kỳ của cây.
Cây chay là loại cây có nhu cầu tưới nước tương đối cao, đặc biệt là trong giai đoạn mùa hè. Người trồng cần lưu ý tăng lượng nước vào thời kì khô nóng này và thường xuyên xới đất vào mùa mưa để tránh tình trạng thối rễ do ngập úng.
Trong việc bón phân cần tiến hành lần đầu sau 3 tháng từ ngày trồng, đây là lúc cây đã có nhiều lá non và những chiếc lá đã sang màu xanh đậm. Người trồng có thể trực tiếp bón phân vào gốc cây hoặc để khi tưới cây có thể hấp thụ nhanh hơn thì ta có thể hòa phân hóa học với nước.
Lời kết
Cây chay rất được ưu ái với những người yêu thích văn hóa truyền thống Việt Nam. Chay cổ thụ có nét mộc mạc nhưng không kém phần cổ kính và cũng chẳng thiếu phần trang trọng.
Ngày nay, có thể nhiều bộ phận giới trẻ không biết nhiều vê cây chay nhưng trong bộ phận những người sành cây hay thiết kế thì việc trồng loại cây này càng tạo thêm nét độc đáo và ấn tượng cho một không gian xanh.